
Sáng ngày 22/4/2022, Sở Khoa học và Công nghệ đã có buổi làm việc với UBND thành phố Nha Trang theo Kế hoạch số 354/KH-SKHCN ngày 30/3/2022 của nhằm hướng dẫn xây dựng kế hoạch khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và dự toán ngân sách khoa học công nghệ năm 2023 và là dịp trao đổi một số vướng mắc, khó khăn trong công tác quản lý cũng như triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trên địa bàn.
Tham dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Thị Hoàng Diệp – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cùng các đồng chí là lãnh đạo các phòng, đơn vị thuộc Sở Khoa học và Công nghệ; đại diện Trường Đại học Nha Trang, Trường đại học Khánh Hòa.
Về phía địa phương có sự tham gia của đồng chí Lưu Thành Nhân – Phó Chủ tịch UBND thành phố Nha Trang cùng các cán bộ lãnh đạo các phòng, ban liên quan của UBND thành phố.
Tại buổi làm việc, đoàn đã nghe Phòng Kinh tế thành phố báo cáo tình hình triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ năm 2021- 2022, một số khó khăn, định hướng quản lý và thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong thời gian tới. UBND thành phố đã có một số đề xuất kiến nghị với Sở Khoa học và Công nghệ và các Viện, trường, tổ chức KH&CN, Doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ trên địa bàn thành phố.
Sở Khoa học và Công nghệ và các đơn vị có liên quan đã có những trao đổi cụ thể và hướng giải quyết một số vấn đề vướng mắc của địa phương về việc xây dựng kế hoạch khoa học và công nghệ năm 2023 và công tác quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Ngoài ra, tại buổi làm việc đại diện hai Trường đại học trên địa bàn đã có những trao đổi, gợi ý về vấn đề phối hợp, hỗ trợ triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cũng như gợi mở hướng phát triển hơn cho thành phố.
Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ, đồng chí Nguyễn Thị Hoàng Diệp - Phó Giám đốc Sở đánh giá cao những kết quả đã đạt được của địa phương trong công tác quản lý, cũng như triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trên địa bàn thành phố, tuy nhiên trong thời gian tới địa phương nên đẩy mạnh hơn nữa về việc triển khai các nhiệm vụ cấp tỉnh, với các thế mạnh và lợi thế của địa phương, triển khai tốt Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thành phố nên có các giải pháp phát triển về khoa học và công nghệ, đặc hàng hoặc phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, các viện, trường, nhà khoa học trên địa bàn triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, từ đó đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội và đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị đã đề ra. Sở Khoa học và Công nghệ sẽ tích cực hỗ trợ, phối hợp với thành phố triển khai tốt các nhiệm vụ và kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của địa phương để phát triển hơn nữa khoa học và công nghệ trên địa bàn thành phố.
Một số đề xuất kiến nghị của Ủy ban nhân dân thành phố Nha Trang trong lĩnh vực khoa học công nghệ trong thời gian tới:
1. Quan tâm, hướng dẫn, định hướng các đề xuất thực hiện nhằm đảm bảo quá trình đề xuất đúng mục tiêu, yêu cầu. Trong đó đối với các nhiệm vụ cấp cơ sở cần quan tâm tạo điều kiện để các cá nhân, đơn vị có đăng ký đề xuất được triển khai thực hiện, từ đó tạo nguồn động lực lớn để phát huy tinh thần nghiên cứu khoa học và công nghệ tại cơ quan, đơn vị trong những năm tới.
2. Nghiên cứu điều chỉnh nhằm đơn giản hóa các hội đồng khoa học và công nghệ chuyên ngành tư vấn xác định nhiệm vụ hay thành phần Tổ thẩm định kinh phí đề tài theo Quyết định số 07/2018/QĐ-UBND ngày 20/4/2018 của UBND tỉnh Khánh Hòa.
3. Đảm bảo trách nhiệm của chủ nhiệm đề tài cấp tỉnh trong công tác triển khai ứng dụng các kết quả đề tài sau khi đã nghiệm thu.
4. Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ, phối hợp cùng thành phố Nha Trang trong việc tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, phổ biến các đề tài cấp tỉnh, cấp cơ sở đã được nghiệm thu hoặc triển khai các đề tài khoa học và công nghệ cấp cơ sở trên cơ sở ứng dụng các đề tài khoa học và công nghệ đã nghiệm thu cấp tỉnh.
5. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng và nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ cấp huyện.
6. Thường xuyên tổ chức các buổi Hội thảo, chuyên đề về chất lượng sản phẩm hàng hóa cho chuyên viên phụ trách khoa học và công nghệ cấp huyện và các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa phương.
7. Tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, thanh tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa thuộc ngành quản lý, đồng thời có chế tài xử lý thích đáng đối với các trường hợp vi phạm các quy định về chất lượng, hàng hóa.
8. Các nhà khoa học thuộc các viện trường trong và ngoài tỉnh như trường Đại học Nha Trang, Trường Đại học Khánh Hòa, Viện Khoa học Kỹ thuật Duyên hải Nam Trung Bộ, Viện Nuôi trồng Thủy sản III,…các tổ chức KH&CN, các Doanh nghiệp KH&CN và Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN tỉnh tiếp tục hỗ trợ triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trên địa bàn thành phố trong thời gian tới.
9. Quan tâm hướng dẫn các đơn vị có đăng ký tham gia chương trình OCOP trong thời gian đến xây dựng áp dụng tiêu chuẩn sản phẩm, áp dụng mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc… cho sản phẩm của mình góp phần hoàn thiện nhanh các hồ sơ thuận lợi trong việc đánh giá công nhận cấp tỉnh. Cùng với đó đối với các sản phẩm OCOP đã được tỉnh công nhận đạt 3, 4 sao Sở Khoa học và Công nghệ hướng dẫn, hỗ trợ phát triển thương hiệu, xây dựng chỉ dẫn địa lý, bảo hộ độc quyển cho các sản phẩm.
10. Hướng dẫn triển khai các đề tài, nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo hướng xã hội hóa.
11. Một số đề xuất nghiên cứu tại địa phương trong thời gian tới:
- Nghiên cứu quy trình sản xuất giống tôm hùm đảm bảo nhằm bảo nguồn cung cấp con giống cho các hộ nuôi trên địa bàn phục vụ xuất khẩu;
- Xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc đối với vùng nuôi trồng thủy sản được phép nuôi trên Vịnh Nha Trang;
- Nghiên cứu giải pháp bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản trong Vịnh Nha Trang.
- Nghiên cứu khảo sát chất thải nhựa, đa dạng sinh học trong Vịnh Nha Trang.
- Ứng dụng công nghệ số trong quản lý, giám sát các hoạt động nuôi trồng thủy sản tại các vùng nuôi trên Vịnh Nha Trang;
- Nghiên cứu thêm những mô hình phát triển du lịch mang tính đặt trưng riêng biệt của Nha Trang nhằm tăng tính cạnh tranh của du lịch Nha Trang – Khánh Hòa trong thời gian đến.
- Nghiên cứu phát triển các nguồn năng lượng điện mặt trời, điện gió…cho người dân các vùng biển đảo của thành phố.
- Nghiên cứu kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh phù hợp với điều kiện thành phố Nha Trang;
Một số ý kiến đề xuất hướng hỗ trợ, phối hợp triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trên địa bàn thành phố trong thời gian tới
1. Định hướng xây dựng giải pháp tái sử dụng vật liệu nhựa trên Vịnh Nha Trang, giảm thiểu ảnh hưởng môi trường biển.
2. Đẩy mạnh phát triển các tiềm năng của thành phố như phố đêm, du lịch,…
3. Nâng cao vai trò của các nhà khoa học, doanh nghiệp trong các hội đồng triển khai đề tài của thành phố như các hội đồng tư vấn, nghiệm thu,.. tăng hàm lượng khoa học cũng như tính khả thi khi đề tài được triển khai, từ đó tìm ra được hướng phát triển cho thành phố.
4. Thay đổi tư duy về nghiên cứu khoa học, khoa học không chỉ là các vấn đề cao siêu mà còn là hướng giải quyết các nhu cầu thiết yếu của địa phương, từ đó việc đề xuất các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sẽ dễ dàng và tính cấp thiết sẽ cao hơn.
5. Hỗ trợ nghiên cứu, triển khai các chương trình của tỉnh như Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Chương trình chuyển đổi số, Chương trình phát triển du lịch, chương trình phát triển KH&CN phát triển kinh tế biển,....phối hợp hỗ trợ kết nối doanh nghiệp ở địa phương tham gia các chuỗi sản xuất, ứng dụng KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
6. Huy động nguồn lực tham gia thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ nguồn xã hội hóa để các doanh nghiệp tư nhân có thể phối hợp với thành phố để triển khai các nhiệm vụ.
C.Nhung