Ngày 10/02/2022 Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Quyết định số 349/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế Biển tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 – 2025 (Chương trình).
MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH:
- Cung cấp luận cứ khoa học cho việc khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên biển và hải đảo; cơ sở khoa học trong quy hoạch không gian biển phục vụ phát triển bền vững kinh tế Biển.
- Ứng dụng có hiệu quả các giải pháp KH&CN mới, tiên tiến trong điều tra, giám sát tài nguyên, môi trường biển; phòng tránh thiên tai, bảo vệ và ứng phó với biến đổi khí hậu trên biển, đảo.
- Nghiên cứu, ứng dụng các mô hình, giải pháp KH&CN phục vụ bảo vệ môi trường; quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên biển.
- Nghiên cứu ứng dụng, triển khai các thành tựu công nghệ biển hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành kinh tế biển Khánh Hòa như công nghệ khai; công nghệ sinh học ứng dụng trong sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản thâm canh và bán thâm canh; công nghệ tách chiết các hợp chất thiên nhiên có giá trị cao trong sinh vật biển; công nghệ chế tạo vật liệu bền trong môi trường biển; công nghệ môi trường phòng chống ô nhiễm biển; công nghệ khai thác và sử dụng năng lượng biển (mặt trời, gió, sóng, thuỷ triều, …).
- Có được ít nhất 05-07 sản phẩm KH&CN được tạo ra từ kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học liên quan đến tài nguyên biển có sự tham gia của Doanh nghiệp để ứng dụng định hướng khai thác, phát triển thành các sản phẩm hàng hóa có giá trị gia tăng từ tài nguyên biển.
NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA CHƯƠNG TRÌNH:
Tập trung vào 06 lĩnh vực phát triển kinh tế Biển chính như sau:
- Nghiên cứu về hải dương học phục vụ phát triển kinh tế biển cho 3 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh (khu vực vịnh Cam Ranh; khu kinh tế Vân Phong; thành phố Nha Trang):
+ Nghiên cứu cơ sở khoa học và ứng dụng một số giải pháp, công nghệ tiên tiến liên quan đến công trình biển: cải tạo, ổn định bãi tắm Nha Trang, Cam Ranh và các bãi tắm khác trên địa bàn tỉnh, phát triển, tạo cảnh quan phục vụ du lịch;
+ Nghiên cứu cơ sở khoa học xác định tiềm năng và ứng dụng một số công nghệ phục vụ nuôi biển mở tại Khánh Hòa;
+ Nghiên cứu đánh giá sức tải môi trường, sức tải sinh thái phục vụ phát triển kinh tế biển tại 03 vùng biển trọng điểm của tỉnh: vịnh Cam Ranh, vinh Vân Phong và vịnh Nha Trang.
- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm một số đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế ở Khánh Hòa:
+ Nghiên cứu hoàn thiện các quy trình sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm một số đối tượng thủy hải sản (cá nước mặn, động vật thân mềm) có giá trị kinh tế cao tại Khánh Hòa phục vụ phát triển kinh tế và du lịch của tỉnh;
+ Nghiên cứu và sản xuất một số vaccine phòng trừ, trị bệnh cho các đối tượng thủy sản; nghiên cứu sản xuất một số chế phẩm sinh học phục vụ nuôi trồng thủy sản, xử lý ô nhiễm môi trường thủy sản;
+ Nghiên cứu quy trình sản xuất thức ăn công nghiệp cho một số đối tượng hải sản có giá trị kinh tế;
+ Nghiên cứu ứng dụng và thử nghiệm công nghệ phục vụ nuôi biển mở tại vùng biển Khánh Hòa có sự tham gia của doanh nghiệp;
+ Xây dựng một số mô hình nuôi kết hợp một số đối tượng nhuyễn thể kết hợp với trồng rong biển phục vụ sản xuất tiêu thụ, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường;
+ Nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ, thiết bị phục vụ cơ giới hóa trong thu hoạch một số đối tượng thủy hải sản có giá trị góp phần giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch.
+ Ứng dụng và phát triển công nghệ 4.0 trong quản lý nuôi trồng thủy sản.
- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tách chiết và sản xuất các hợp chất thiên nhiên có giá trị cao trong sinh vật biển, rong biển phục vụ chế biến thực phẩm, dược liệu, y học:
+ Nghiên cứu tách chiết, thu nhận Protein thủy phân từ phụ phẩm hải sản ứng dụng trong sản xuất thực phẩm bổ sung và mỹ phẩm;
+ Nghiên cứu thu nhận các chất ức chế enzyme thủy phân carbohydrate từ một số loài rong biển tại Khánh Hòa để tạo chế phẩm hỗ trợ điều trị bệnh phục vụ trong y học;
+ Nghiên cứu, hoàn thiện quy trình công nghệ tách chiết các hợp chất sinh học từ sinh vật biển, nguồn nguyên liêu có sẵn tại địa phương, đưa vào ứng dụng thực tiễn sản xuất một số sản phẩm có giá trị kinh tế cao trong lĩnh vực dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm… có thể tiến tới sản xuất tạo sản phẩm hàng hóa.
- Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác, nuôi trồng, chế biến và bảo quản các đối tượng thủy sản đánh bắt xa bờ trên vùng biển tỉnh Khánh Hòa:
+ Ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực khai thác có thế mạnh của tỉnh như nghề lưới vây, lưới chụp, nghề câu cá ngừ đại dương....
+ Ứng dụng công nghệ bảo quản sản phẩm tiên tiến đáp ứng nhu cầu khai thác xa bờ của đội tàu;
+ Ứng dụng công nghệ bảo quản, chế biến các đối tượng thủy sản được khai thác đánh bắt xa bờ;
+ Xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị của nghề khai thác, đánh bắt xa bờ...
+ Sản xuất, chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng từ các đối tượng thủy sản theo mô hình liên kết, chuỗi giá trị có sự tham gia của Doanh nghiệp: hầu, tôm, cá biển…
- Bảo tồn, khai thác hợp lý các hệ sinh thái đặc trưng, nguồn tài nguyên sinh vật biển phục vụ phát triển kinh tế biển Khánh Hòa ….
+ Xây dựng các mô hình bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng hợp lý tài nguyên sinh vật biển có sự tham gia của cộng đồng và doanh nghiệp có khả năng thích ứng với sự BĐKH và nước biển dâng.
+ Bảo tồn, phục hồi và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên (rạn san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn, rong biển….) phục vụ phát triển du lịch của tỉnh.
+ Thử nghiệm các dự án, mô hình nuôi trồng thủy sản, rong biển kết hợp với tham quan du lịch biển tại Khánh Hòa có sự tham gia của Doanh nghiệp.
- Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp, công nghệ tiên tiến phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng
+ Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến (giải pháp công trình và phi công trình) nhằm ứng phó với điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng đối với cơ sở hạ tầng ven biển ở tỉnh; đối với các hệ sinh thái biển đặc trưng phục vụ phát triển du lịch bền vững;
+ Các giải pháp xanh, công nghệ không khói, phát thải bằng không góp phần ứng phó với điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng đối với các ngành kinh tế, du lịch trong điểm của tỉnh;
+ Có được cơ sở khoa học để đầu tư phát triển 1-2 Dự án nguồn năng lượng tái tạo mới: năng lượng sóng, thủy triều, địa nhiệt…phù hợp tại một số khu vực biển của tỉnh.
GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ THUỘC CHƯƠNG TRÌNH
1. Giải pháp về huy động sự tham gia của các tổ chức, đơn vị, địa phương và Doanh nghiệp
- Huy động các Viện nghiên cứu, Trường Đại học, cao đẳng, các tổ chức khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH&CN thông qua các nhiệm vụ, dự án KH&CN cấp nhà nước, cấp tỉnh; Tăng cường liên kết với doanh nghiệp để phối hợp, hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng KH&CN phục vụ sản xuất tại địa phương.
- Triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển đội ngũ nhân lực KH&CN trình độ cao: Thu hút đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ chuyên sâu về lĩnh vực biển được chuyển giao trong và ngoài tỉnh tham gia công tác chuyển giao công nghệ.
- Đa dạng hóa nguồn vốn cho hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn quản lý, sản xuất và đời sống:
+ Căn cứ khả năng cân đối ngân sách tỉnh hằng năm hỗ trợ để triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình một cách hiệu quả nhất để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
- Tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ các nhiệm vụ KH&CN cấp nhà nước, nhiệm vụ liên kết, nguồn vốn lồng ghép từ các Chương trình mục tiêu quốc gia; các chương trình, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; các chương trình, kế hoạch phát triển của các ngành, lĩnh vực và địa phương.
+ Khuyến khích huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách, đặc biệt là vốn đầu tư của các doanh nghiệp, các tổ chức khoa học và công nghệ và người dân tham gia vào Chương trình.
2. Đẩy mạnh công tác hướng dẫn, xây dựng đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ KH&CN thuộc chương trình
- Hàng năm, tại thời điểm hướng dẫn xây dựng kế hoạch theo tiến độ của Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc đột xuất trong năm, Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm thông báo đến các tổ chức, cá nhân trong tỉnh hướng dẫn xây dựng đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ KH&CN (cấp nhà nước, cấp tỉnh) gửi về Sở KH&CN.
- Việc tư vấn xác định nhiệm vụ KH&CN được thực hiện theo đúng quy định về quản lý các nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách tỉnh Khánh Hòa, cụ thể:
+ Đối với nhiệm vụ KH&CN đặt hàng cấp nhà nước thực hiện theo Thông tư số 07/2014/TT-BKHCN ngày 26/5/2014 và Thông tư số 03/2017/TT-BKHCN ngày 03/4/2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 07/2014/TT-BKHCN ngày 26/5/2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ về quy định trình tự, thủ tục xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước;
+ Đối với nhiệm vụ KH&CN đặt hàng cấp tỉnh thực hiện theo Quyết định số 34/2018/QĐ-UBND ngày 02/11/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa về việc ban hành Quy định xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh sử dụng ngân sách nhà nước
3. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý các nhiệm vụ KH&CN cấp nhà nước, cấp tỉnh thuộc chương trình
- Việc tổ chức tuyển chọn, giao trực tiếp; tổ chức thẩm định kinh phí, phê duyệt và ký hợp đồng cấp kinh phí triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc chương trình được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 05/2019/QĐ-UBND ngày 15/02/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa.
- Việc đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ cấp tỉnh, cấp cơ sở thuộc chương trình được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 22/2015/QĐ-UBND ngày 21/9/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa.
- Xử lý kết quả, sản phẩm tạo ra từ các nhiệm vụ thuộc chương trình
+ Các kết quả, sản phẩm khoa học có khả năng thương mại tạo ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được xử lý theo quy định hiện hành đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ; trong đó khuyến khích ưu tiên giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu cho các Doanh nghiệp tại địa phương
+ Các tổ chức chủ trì, cá nhân có liên quan có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ chuyển giao kết quả nghiên cứu cho các đơn vị, địa phương và doanh nghiệp trong tỉnh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh sau khi kết thúc nhiệm vụ.
H.Huy